[MEGASTORY] - VẺ ĐẸP NHỮNG NỮ ANH HÙNG TỪ TRANG THƠ ĐẾN ĐỜI THỰC

Ngày 13/03/2022 17:13:50, lượt xem: 2623

 

Xuyên suốt những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng, hình ảnh những nữ anh hùng hiện lên như những đóa hoa rực rỡ. Họ là những người mẹ can trường, dũng cảm, là người vợ nơi hậu phương vững chắc luôn chung thủy, sắt son, là cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi kiên trung, hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Hôm nay, cùng nhìn lại từ những trang thơ cách mạng về người phụ nữ và soi rọi vẻ đẹp hào hùng của họ trong đời thực, để thấy được đó là một thế hệ không biết cúi đầu.
 

 

Hình ảnh nữ anh hùng Trần Thị Lý không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Câu chuyện cuộc đời chị là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa, phim ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Tố Hữu.

 

 

Khi ấy là vào giữa năm 1958. Phòng bệnh số 8, Nhà A1, Bệnh viện Việt - Xô tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Trong hồ sơ bệnh án ghi: “Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê Miền Nam, cân nặng: 26 kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục”.

Nhà thơ Tố Hữu đã đến bên giường bệnh thăm chị. Ông đã khóc vì quá xúc động, sau đó sáng tác bài “Người con gái Việt Nam” ngày 7 tháng 12 năm 1958. Bài thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.

 

Chị Trần Thị Lý trên giường bệnh. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của chị Trần Thị Lý gắn liền với chặng đường đấu tranh anh dũng chống đế quốc Mỹ của nhân dân miền Nam và của đồng bào cả nước. Được rèn luyện, thử thách trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng, lúc bí mật, lúc công khai, suốt trong những năm tháng sống trong tù đày, tra tấn, chị luôn nêu cao phẩm chất sáng ngời của một cán bộ cách mạng kiên trung, vững vàng trong mọi tình huống. Người con gái xứ Quảng ấy vừa là biểu tượng cho người con gái Việt Nam, vừa là đại diện cho ý chí kiên cường của dân tộc ta - “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Năm 1964, chị Trần Thị Lý được kết nạp Đảng lúc tròn 19 tuổi. Tháng 2/1965, Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc đã chọn thị xã Đồng Hới làm điểm đánh mở đầu. Chị được sung vào lực lượng dân quân, làm chiến sĩ phòng không nam Cầu Dài, thị xã Đồng Hới.

Ngày 4/4/1965, đế quốc Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay đến ném bom Cầu Dài, triệt hạ thị xã Đồng Hới. Trong tình thế nguy hiểm, chị đã mưu trí, dũng cảm chèo đò chở Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Thuật vượt sông để chỉ đạo dân quân, nhân dân chiến đấu, rồi trở lại trận địa an toàn. Trong một lần bị bom vùi, chị đã kịp thời bình tĩnh cởi áo ngoài khoác lên đầu súng để đất đá khỏi vào làm chẹt nòng. Sau đó, chị đã bươn mình ra, tiếp tục nổ súng bắn vào kẻ thù.

Với những thành tích xuất sắc đó, chị đã được tuyên dương anh hùng vào ngày 1/1/1967 và vinh dự được gặp Bác Hồ ba lần. Năm 1978, chị được bổ nhiệm đảm nhiệm chức Phó Đội trưởng đội công tác thuộc đoàn 871, Tổng cục chính trị.

 


 

Chị Trần Thị Lý bên Bác Hồ (trái) và Chị Trần Thị Lý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thủ tướng Phạm Văn Đồng tại kỳ họp Quốc hội khóa IV năm 1971 (phải). (Ảnh tư liệu)

 

Từ 1985, chị được điều về giữ chức Phó rồi Giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ khách sạn Bạch Đằng của Quân khu 5 ở Đà Nẵng. Chị là Đại biểu Quốc hội khóa IV, V và VI; là Ủy viên BCH TƯ Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Năm 1992, những vết thương hiểm nghèo của chị tái phát và chị đã qua đời tại bệnh viện C - Đà Nẵng. Ngày 2/2/1992, với những cống hiến của mình, chị Trần Thị Lý được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 

 

Người anh hùng vùng Đất Đỏ Võ Thị Sáu đã từng đi vào thơ ca với hình tượng bông hoa lê ki ma tinh khôi, thuần khiết. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong một lần thăm mộ của chị Sáu đã không tránh khỏi xúc động mà viết nên những vần thơ dạt dào cảm xúc.

 

 

Phan Thị Thanh Nhàn kể rằng mộ chị Sáu dưới chân một cây dương cụt ngọn, chỉ còn lại một nhành rất tươi hướng về phía Bắc. Mộ chị Sáu không có bia khắc tên, tuổi, quê quán như bây giờ mà chỉ có một tấm tôn gỉ ghi số tù.

Đêm đến, nhà thơ đã dành rất nhiều thời gian đắn đo, suy nghĩ về hình ảnh chị Nguyễn Thị Sáu trong những câu chuyện mà mình được nghe kể, từ đó khơi nguồn cảm hứng viết thành bài “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn”. Bài thơ được in trên báo Văn nghệ số 43 năm 1976.

Sau khi Pháp tái chiếm vùng Đất Đỏ vào cuối năm 1945, các anh trai của chị Sáu thoát ly gia đình, hoạt động kháng chiến. Chị bỏ dở việc học, ở nhà giúp cha mẹ kiếm sống và bí mật tiếp tế cho các anh, lúc đó công tác trong Chi đội Giải phóng quân của tỉnh Bà Rịa.

Mới 14 tuổi, chị đã đi theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 1949, chị tham gia đội Công an xung phong Đất Đỏ làm liên lạc, tiếp tế. Chị Sáu trực tiếp tham gia diệt ác, trừ gian và đã lập được nhiều chiến công. Chị bị địch bắt trong vụ giết cả Suốt, cả Đang; sau đó bị tra tấn giam cầm ở khám Chí Hòa. Trong phiên tòa xét xử chị, không có luật sư bào chữa mà chỉ có chánh án, bồi thẩm, công tố, hiến binh. Mặc dù không nhận tội, nhưng chánh án Pháp vẫn buộc chị phạm tội tham dự vào các vụ “giết hại các nhà chức trách”. Tại phiên tòa đại hình, tuy mới 16 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang khẳng định: "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội".

Thời điểm xử án, chị chưa tròn 18 tuổi nên các luật sư căn cứ vào điểm này nhằm đưa chị thoát khỏi án tử hình. Tuy vậy, tòa án Pháp không chấp nhận. Bản án này đã gây chấn động dư luận, gây ra sự phản đối mạnh mẽ tại Việt Nam và ngay tại nước Pháp. Vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành án. Chúng tiếp tục giam cầm và đợi đến khi chị qua 18 tuổi để tử hình. Chị Sáu hy sinh ngày 23/1/1952.

 

 

Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định phong tặng Võ Thị Sáu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì "đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, giữ vững khí tiết người chiến sĩ công an, nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng". Chị Sáu là nữ anh hùng trẻ nhất được trao danh hiệu này.

 

 

Có một người mẹ đêm đêm vẫn chèo đò chở những người con của cách mạng qua sông trong những ngày chiến đấu ác liệt, đó chính là mẹ Nguyễn Thị Suốt. Mẹ Suốt đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Chính sự vĩ đại ấy đã trở thành cảm hứng để Tố Hữu viết nên bài thơ mang tên mẹ - “Mẹ Suốt”.

Năm 1964, sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ bắt đầu đem quân đánh phá miền Bắc. Miền đất Quảng Bình là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và hải quân Mỹ, với mục đích nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc cho lực lượng cách mạng miền Nam. Lúc đó, mẹ Suốt đã 58 tuổi.
 

 

Với tình yêu quê hương tha thiết, theo tiếng gọi của cách mạng, của Bác Hồ, mẹ Suốt đã xung phong nhận một công việc tưởng như bình thường nhưng vô cùng nguy hiểm: Chở đò ngang qua sông Nhật Lệ. Đây là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tổ 3 phòng: phòng chữa cháy; cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại.

Tháng 11 năm 1965, nhà thơ Tố Hữu, lúc đó là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, đến Đồng Hới, Quảng Bình. Sau khi nói chuyện với mẹ Suốt (4 tháng 11), nhà thơ đã sáng tác bài thơ nổi tiếng mang tên Mẹ Suốt. Ngay từ khi ra đời bài thơ này đã được đăng tải trên báo Nhân Dân và được công chúng đặc biệt yêu mến.

Trong suốt những năm 1964 - 1966, mẹ Suốt vẫn giữ vững nhiệm vụ của mình, đã chèo hàng trăm lượt ngay cả những lúc máy bay Mỹ ném bom oanh tạc ác liệt. Đưa đò, phục vụ nhân dân qua lại, mẹ là người lái đò có trách nhiệm. Mặc dầu đã có tuổi, đến lượt trực đò, bất kể đêm khuya, mẹ luôn có mặt. Khi phục vụ chiến đấu mẹ càng tích cực khẩn trương. Cán bộ, bộ đội cần đi công tác bất kể giờ nào, mẹ đều vui lòng chở ngay; kể cả lúc nửa đêm, cho đến trường hợp báo động mẹ cũng không ngần ngại. Những người đã từng qua đò của mẹ trong những giờ phút nóng bỏng đó vô cùng khâm phục trước lòng quả cảm, gan dạ của một bà mẹ giàu tình yêu nước ấy.

Trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt được mời tham dự. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.
 

Các nữ Anh hùng Quảng Bình: Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Khíu, Nguyễn Thị Suốt tại Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua tổ chức tại Ba Rền năm 1967.

(Ảnh tư liệu)

 

Cuối năm 1968, khi chiến tranh trở nên ác liệt hơn, mẹ Suốt ngừng công việc chèo đò, di chuyển lên vùng cao hơn. Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.

Năm 1980, Ủy ban Nhân dân thị xã Đồng Hới đã cho dựng bia đài Mẹ Suốt nằm giữa trung tâm bến đò. Hiện nay ngay gần cầu Nhật Lệ là con đường Mẹ Suốt, là nơi đặt bức tượng của người mẹ Việt Nam đầy can trường và dũng cảm này.

 

Nội dung và thiết kế: Hồng Nhung

Nguồn tổng hợp:
Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, tập 2. Nxb Lao Động; Nxb Quân đội Nhân dân, 2000.
Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Nxb Trẻ, 2020.
Chân dung nữ anh hùng Việt Nam các thời đại. Nxb Lao Động. Hà Nội, 2009.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

Tin liên quan